Dân số - Lao động |
Dân số Trong những năm qua, Huyện Minh Long đã triển khai đưa công tác dân số trở thành nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của các cấp uỷ Đảng, chính quyền nhất là ở cơ sở. Từ năm 2000 - 2010 công tác dân số đã đạt được những bước quan trọng, tiến tới đạt và duy trì mức sinh thay thế. - Quy mô dân số: Dân số trung bình huyện Minh Long năm 2000 là 14.031 người, năm 2006 là 15.100 người, năm 2009 là 15.590 người, đến năm 2010 ước đạt 15.750 người. - Mật độ dân số: Mật độ dân số trung bình rất thấp, năm 2000 đạt 65 người/ km2 năm 2008 đạt 71 người /km2 , ước năm 2010 đạt 71,6 người/km2. Dân số phân bố không đều giữa các xã trong huyện, tập trung đông nhất ở xã Long Hiệp là 214 người/km2, các xã dọc theo tỉnh lộ như Long Mai là 84 người/km2, ở xa đường hơn như Long Sơn 63 người/ km2, thấp nhất xã Long Môn chỉ có 19 người/km2. - Tốc độ tăng dân số và biến động quy mô dân số: Công tác dân số kế hoạch hoá gia đình và các chương trình tuyên truyền, vận động tư vấn kết hợp với cung cấp các dịch vụ sức khoẻ sinh sản được thực hiện có hiệu quả trên toàn huyện, đến tận các vùng khó khăn. Trong giai đoạn 2000 - 2010, dân số trung bình tăng thêm 1.700 người với nhịp độ tăng bình quân hàng năm là 1,16%; Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm dần từ 16,2%0 năm 2000 còn 14,93%0 năm 2006 và giảm xuống 13,74%0 năm 2008. Tỷ lệ sinh giảm dần hàng năm, năm 2000 là 21,5%0, năm 2008 là 15,8%0,, năm 2009 giảm xuống còn 15,3%0 ước năm 2010 đạt 14,77%o. Tuy nhiên số người thực hiện các biện pháp tránh thai còn thấp: 672 người (chỉ đạt 71,58% kế hoạch năm 2009). Cơ cấu dân số: Toàn huyện có 02 dân tộc, bao gồm: dân tộc Hre và dân tộc Kinh; đến năm 2009 dân tộc Hre chiếm 70% (10.931người) và dân tộc Kinh chiếm 30% (4.677người). Cơ cấu dân số theo giới tính tương đối ổn định, trong đó tỷ lệ nữ nhiều hơn nam giới, nữ so với dân số chung năm 2000 là 51,37%; năm 2006 là 51,08%; năm 2008 là 51,16%, ước năm 2010 là 51,20%. Huyện Minh Long chưa có thị trấn nên chưa có dân số đô thị. Tỷ lệ sinh giảm, tuổi thọ bình quân tăng, cơ cấu dân số theo độ tuổi đang có xu hướng già hoá, tỷ lệ trẻ em ngày càng giảm, tỷ lệ người trong tuổi lao động ngày càng tăng. Lao động Thực trạng nguồn lao động và sử dụng lao động: - Quy mô nguồn lao động: Năm 2009 lao động trong độ tuổi là 8.727 người, chiếm 55,8% dân số, ước đến năm 2010 lao động trong độ tuổi là 8.816 người, chiếm 56% dân số. Giai đoạn 2000 - 2010, lao động trong độ tuổi trung bình mỗi năm tăng trên 660 người. - Chất lượng nguồn lao động: Lao động ngành nông nghiệp của Huyện có tinh thần lao động cần cù. Tuy nhiên tập quán sản xuất một số vùng còn lạc hậu, trình độ thâm canh chưa cao. Do lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Huyện chưa phát triển, 100% xã trên địa bàn huyện không có nghề thủ công truyền thống, nên đội ngũ công nhân kỹ thuật còn thiếu vắng. Sản xuất nông nghiệp lại mang tính thời vụ, nên trong những lúc nông nhàn, người lao động ở Huyện Minh Long thường bị thiếu việc làm. Cơ cấu lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành kinh tế: Sự phát triển của nền kinh tế góp phần phân công lại lực lượng lao động xã hội, thúc đẩy cơ cấu lao động chuyển dịch theo xu hướng tích cực, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Năm 2000 tổng số lao động đang làm việc trong các ngành là 7.205 người, năm 2008 tăng lên 8.461 người và dự kiến năm 2010 là 8.678 người, trong đó lao động ngành nông lâm ngư nghiệp đã giảm từ 85,96% năm 2000 xuống 78,9% năm 2008, ước còn 76,3% năm 2010 song vẫn chiếm tỷ lệ rất cao; lao động ngành dịch vụ tăng từ 11,24% năm 2000 lên 17,25% năm 2008, ước năm 2010 đạt 19,4%. Lao động ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ lệ rất nhỏ và phát triển không ổn định, từ 2,8% năm 2000 xuống 3,84% năm 2008, ước năm 2010 tăng lên đạt 4,3%. Thực trạng dạy nghề và giải quyết việc làm: ) Thực trạng đào tạo nghề: Huyện đã quan tâm đào tạo trình độ cho người lao động. Tỷ lệ lao động được đào tạo có tăng lên nhưng vẫn còn rất chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay huyện chưa có trung tâm đào tạo nghề. - Các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã trong Huyện đã mở các lớp nâng cao kỹ năng sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ, đổi mới cơ cấu kinh tế để nhân dân tham gia sinh hoạt về trồng trọt, chăn nuôi, làm cây cảnh... ) Thực trạng giải quyết việc làm: Nhận thức rõ vai trò quan trọng trong công tác giải quyết việc làm đối với người lao động, Đảng bộ và chính quyền huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình dự án về lao động - việc làm từ các nguồn vốn đầu tư tập trung, chương trình mục tiêu, chương trình 135, hỗ trợ đồng bào đặc biệt khó khăn, các nguồn vốn vay... nên hàng năm đã giải quyết khoảng 350 - 370 việc làm. Trong 10 năm từ 2001 - 2010, tỷ lệ người không có việc làm so với số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động đã giảm từ 0,74% năm 2000 xuống 0,62% năm 2008 và ước giảm xuống còn 0,4% năm 2010. |