Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN MINH LONG

Lịch sử hình thành phát triển
 
Đời các chúa Nguyễn và thời nhà Nguyễn, đồng bào Hrê đã nổi dậy chống ách thống trị, áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến, nổi lên tên tuổi động Thạch Bích (Đá Vách) được nhắc đến nhiều trong sách sử triều Nguyễn. Đời Tây Sơn, thủ lĩnh Đa Phát Canh (Đa-Boăk-Kinh) đã giúp phong trào Tây Sơn chống lại chúa Nguyễn. Đầu thế kỷ XX, có phong trào đấu tranh chống đế quốc của đồng bào Hrê ở Minh Long do Đinh Tăm, Đinh Mẫn, Đinh Mút, Đinh Rin chỉ huy, kéo dài từ năm 1901 đến năm 1912. Người dân Hrê ở Minh Long cũng đã tham gia phong trào "Nước Xu đỏ" trong các năm 1937 - 1938 với nhân dân các dân tộc ở bắc Tây Nguyên.

Tháng 10.1945, chi bộ Đảng lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam tại Minh Long được thành lập, trực thuộc Huyện uỷ Nghĩa Hành. Tháng 5.1946, Đảng bộ Minh Long ra đời. Phong trào cách mạng có tổ chức Đảng lãnh đạo và hoạt động ngày càng lan rộng, mạnh mẽ, phản ánh sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Minh Long. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân Minh Long đã ra sức xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng cuộc sống mới, đề cao cảnh giác và góp phần đập tan bọn "chí xẻng" tay sai của Pháp đầu năm 1954, đóng góp nhiều công sức vào công cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, người dân Minh Long tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tích cực đánh địch, đóng góp nhân tài vật lực cho tiền tuyến, nổi bật là trận đánh lớn ở quận lỵ Minh Long, dẫn đến kết quả giải phóng toàn huyện ngày 17.8.1974.

Minh Long có 3 đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân là xã Long Môn, xã Thanh An, xã Long Sơn; có 18 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Về hành chính, huyện Minh Long xưa có tên là nguồn Phụ Ba, rồi nguồn Phụ Bà Địa; năm 1822, dưới triều vua Minh Mạng, đổi là nguồn Phụ An, một trong bốn nguồn của tỉnh Quảng Ngãi. Thời Pháp thuộc, năm 1915, nguồn Phụ An đổi là đồn Minh Long có 5 tổng với 60 làng, sách. 5 tổng có tên là tổng Hành, tổng Lạc, tổng Trung, tổng Thượng, tổng Hạ. Đến thập niên ba mươi thế kỷ XX, đồn Minh Long được điều chỉnh lại còn 3 tổng là An Hành, Lợi Hành, Lạc Hành với 65 sách; sau đổi đồn Minh Long thành nha Minh Long.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nha Minh Long đổi thành châu Minh Long rồi huyện Minh Long. Cấp tổng được bãi bỏ, các sách hợp lại trong 9 xã lớn đều lấy chữ Long làm đầu, gồm các xã: Long Môn, Long Sơn, Long Huy, Long Xuyên, Long Mai, Long Quang, Long An, Long Thanh, Long Xuân.

Từ sau 1954, chính quyền Sài Gòn đổi huyện Minh Long thành quận Minh Long, chia thành 14 xã và đổi đặt tên xã mới, lấy chữ Minh làm đầu, gồm các xã: Minh Tâm, Minh Điền, Minh Hiệp, Minh Cao, Minh Thượng, Minh Nghĩa, Minh Sơn, Minh Trị, Minh Anh, Minh Đức, Minh Dũng, Minh Hạ, Minh Trung, Minh Tân.

Sau năm 1975, chính quyền cách mạng chia lại huyện Minh Long thành 9 xã: Long Môn, Long Thanh, Long Quang, Long An, Long Tân, Long Hiệp, Long Xuân, Long Mai, Long Sơn.

Từ 1976 đến 1981, huyện Minh Long nhập với huyện Nghĩa Hành thành huyện Nghĩa Minh, thuộc tỉnh Nghĩa Bình. Các xã Long Thanh, Long An, Long Quang hợp nhất thành xã Thanh An, xã Long Xuân nhập vào xã Long Mai, xã Long Tân nhập vào xã Long Hiệp.

Năm 1982, huyện Minh Long được tái lập, huyện còn 5 xã (như đã kể trên) và ổn định đến nay.

 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 865

Tổng số lượt xem: 18299506

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Minh Long tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung:Ông Nguyễn Văn Bảy-Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long - Trưởng Ban biên tập

Điện thoại: 0982374489.

Email:minhlong@quangngai.gov.vn.