Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN MINH LONG

Minh Long: Phát triển nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường

24/07/2021 14:30    284

Qua 03 năm thực hiện Nghị quyết số 01 ngày 22.12.2017 của Hội nghị Huyện ủy lần thứ 14, khóa 17 về phát triển nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường bền vững, giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025, tình hình phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực, duy trì tốc độ tăng trưởng, một số chỉ tiêu kinh tế tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhân dân dần thay đổi tư duy trong sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng có giá trị hàng hóa, đa dạng chủng loại… Góp phần mang lại hiệu quả trong sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn huyện miền núi có nhiều khởi sắc.

Huyện đầu tư cho các hộ dân trồng các mô hình: cây quế, trồng cây ăn quả… ở các xã trên địa bàn huyện

Những năm qua, người dân trên địa bàn huyện luôn chấp hành tốt lịch thời vụ, lựa chọn giống, cơ cấu giống, điều tiết nước tưới, chủ động thực hiện các giải pháp đồng bộ chuyển đổi cơ cấu mùa vụ. Hàng năm, đảm bảo diện tích gieo sạ đạt trên 1.528 héc ta, năng suất đạt trên 46 tạ/ha, sản lượng đạt trên 7.000 tấn. Nông dân còn thực hiện luân canh, xen canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả  hoặc thiếu nước sang trồng các loại cây hoa màu khác, như: bắp, mì, mía, đậu… Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện đã đầu tư cho 76 hộ của 05 xã, trồng các mô hình: cây quế ở Long Môn, với 26,5 héc ta, có 46 hộ tham gia; mô hình trồng cây ăn quả ở Long Sơn, với 1,25 héc ta, có 06 hộ tham gia; mô hình trồng cây sầu riêng hạt lép ở Long Sơn, Long Mai, với 12 héc ta, có 24 hộ tham gia. Qua đó, đã từng bước đưa các giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất, chuyển dịch từ sản xuất số lượng sang chú trọng chất lượng gắn với thị trường, sản lượng và tăng giá trị hàng hóa, góp phần tăng năng suất. Nhân dân các xã trên địa bàn huyện tiếp tục chăm sóc 92 héc ta chè hiện có , quy hoạch trồng mới 58,3 héc ta, tăng trên 43 héc ta so với Nghị quyết; phấn đấu thực hiện có hiệu quả Đề án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Chè Minh Long” theo quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế, đóng gói, bảo quản đảm bảo theo kỹ thuật hướng sạch, tự nhiên, tạo nên sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Về chăn nuôi, những năm qua, huyện tăng cường triển khai thực hiện các ứng dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng chăn nuôi tập trung, an toàn, có năng suất, chất lượng, thực hiện chăn nuôi theo mùa vụ, giảm thiểu rủi ro và rút ngắn thời gian trong chu kỳ nuôi. Đã kêu gọi đầu tư một trang trại nuôi heo khép kín tập trung, kỹ thuật mới của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Phú Hiệp, góp phần nâng số đàn heo trên địa bàn. Đồng thời, làm tốt công tác dự báo tình hình dịch bệnh, hướng dẫn cách phòng bệnh và kịp thời xử lý các dịch bệnh khi xảy ra; tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, tiêm phòng dịch. Giai đoạn 2018-2020, đã phát triển 5.650 đàn trâu, tăng 650 con so với cùng kỳ, đàn bò trên 2.300 con, tăng 640 con so với cùng kỳ, trong đó đàn bò lai chiếm 62,5%; đàn heo 9.000 con, tăng trên 2.600 con so với cùng kỳ. Thịt hơi xuất chuồng đạt 1.350 tấn, đạt 225% so với Nghị quyết. Giai 2017-2020, từ nguồn vốn 30a, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã đầu tư thực hiện mô hình chăn nuôi  bò cái lai sinh sản, với 54 con; mô hình nuôi Dê lai bách thảo 63 con, mô hình cải tạo và phát triển đàn trâu theo hướng thịt gần 20 con, đến nay đã sinh sản được trên 550 con trâu nghé. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích Nhân dân, hộ gia đình tận dụng diện tích ao nuôi của gia đình và hồ hiện có trên địa bàn huyện là 20,6 héc ta để thả nuôi cá các loại, để cải thiện bữa ăn cho gia đình, tăng thu nhập, duy trì và phát triển diện tích ao nuôi, sản lượng thủy sản.

Nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp luôn được cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo. Thực hiện chăm sóc trên 114 ha rừng phòng hộ; giao khoán rừng cho hộ gia đình bảo vệ, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng trên 8.360 héc ta; giao khoán bảo vệ rừng sản xuất trên 640 héc ta. Bên cạnh đó, công tác trồng rừng cũng luôn được quan tâm, người dân chọn giống có chất lượng, khai thác, trồng mới đúng quy định nên giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng, lợi nhuận từ rừng trồng nguyên liệu của Nhân dân được nâng lên. Hàng năm, các hộ gia đình đã trồng lại rừng sau khai thác  từ 1.200 đến 1.800 héc ta; hiện tại diện tích có rừng và cây trồng phân tán trên địa bàn huyện trên 19.640 héc ta. Độ che phue rừng 65,45%. Huyện đã kêu gọi được 01 nhà máy sơ chế dăm gỗ keo ở xã Long Mai để thu mua, chế biến gỗ keo của Nhân dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, phong trào xây dựng nông thôn mới luôn nhận được sự đồng tình hưởng ứng tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân, tạo thành phong trào lan tỏa đến từng thôn, khu dân cư và người dân. Qua tuyên truyền, vận động, Nhân dân đã tham gia hiến trên 6.000 m2 đất, 370 triệu đồng tiền mặt, hàng ngìn ngày công lao động và giải phóng 4,5 km đường giao thông nông thôn, đường điện thắp sáng đường quê, vệ sinh đường làng ngõ xóm. Thực hiện cơ chế hỗ trợ 100% xi măng của tỉnh, đã xây dựng 4,7 km tại 03 xã Long Sơn, Long Mai và Thanh An, với tổng kinh phí trên 3,2 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện cũng đầu tư hơn 300 tỷ đồng để thực hiện xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 46 km đường giao thông và các công trình trên đường, đến nay 100% các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã, thôn đều được nhựa hóa, cứng hóa. Đến nay, bình quân đạt 15,6 tiêu chí trên một xã. Xã Long Sơn và Thanh An đã cán đích nông thôn mới.

Trong những năm tiếp theo, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng, địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, thích ứng với thị trường và có giá trị kinh tế cao. Thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và quy hoạch chi tiết phát triển ngành nông, lâm nghiệp và nông thôn, trong đó chú trọng phát triển trồng trọt đảm bảo theo quy hoạch và nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như mít thái, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm…/.

Thị Thoang

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 889

Tổng số lượt xem: 16113205