Truy cập nội dung luôn

Đồng chí Phạm Xuân Hòa – Người chiến sĩ trung kiên, nhà lãnh đạo xuất sắc của quê hương Đức Phổ

29/11/2023 16:05    536

Đồng chí Phạm Xuân Hòa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nguyên Bí thư Ban Cán sự Trung Nam của Xứ ủy Trung Kỳ, người chiến sĩ trung kiên, một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của quê hương Quảng Ngãi trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền và kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Xuân Hòa (02/12/1913 – 02/12/2023), chúng tôi xin giới thiệu về Cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phạm Xuân Hòa.

 

Đồng chí Phạm Xuân Hòa, sinh ngày 02/12/1913, tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Từ năm 1930, đồng chí Phạm Xuân Hòa đã tham gia cách mạng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) vào năm 1931.

Năm 1933, đồng chí được cử giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Đức Phổ. Năm 1934, đồng chí Phạm Xuân Hòa được phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy. Tại hội nghị đại biểu 5 tỉnh từ tỉnh Quảng Nam đến tỉnh Khánh Hòa tổ chức tại thôn Hà Trung, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, đồng chí được bầu giữ chức vụ Bí thư Ban Địa phương Chấp ủy Trung Trung Kỳ được xem như Xứ ủy Trung kỳ, cơ quan lãnh đạo phong trào cách mạng các tỉnh Trung Trung kỳ, do Đảng bộ Quảng Ngãi làm trung tâm kết nối.

Ngày 23/4/1935, hội nghị đại biểu các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa được tổ chức dưới sự chủ trì của đồng chí Tống Văn Trân đã bầu ra Ban Cán sự Trung Nam của Xứ ủy Trung Kỳ (gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa), đồng chí Phạm Xuân Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi được bầu giữ chức vụ Bí thư Ban Cán sự. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phạm Xuân Hòa, phong trào cách mạng đã có những bước tiến mới. Đảng bộ tỉnh xuất bản lại báo “Dân cày” để tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Tháng 5/1935, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam và kết tội dẫn đầu trong vụ án mà chúng gọi là "Tái tổ Đảng Cộng sản Đông Dương".  

Ngày 12/7/1935, tại phiên tòa công khai do thực dân Pháp tổ chức ở thị xã Quảng Ngãi, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người tham dự, đồng chí Phạm Xuân Hòa cùng các đồng chí đã biến phiên tòa kết tội các chiến sĩ cách mạng thành phiên tòa tố cáo tội ác của thực dân Pháp và tay sai. Tức tối trước hành động của các chiến sĩ cộng sản, thực dân Pháp đã kết án các đồng chí và đày đi nhiều nhà tù khác nhau. Đồng chí Phạm Xuân Hòa bị địch kết án 20 năm tù khổ sai và đày đi Nhà lao Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị). Trong tù, đồng chí vẫn nêu cao phẩm chất, chí khí của người cộng sản, nâng cao ảnh hưởng, uy tín của Đảng, liên tục đấu tranh chống lại chế độ lao tù hà khắc của địch và bị chúng đày lên Nhà tù Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng ở địa phương. Từ năm 1946 đến năm 1951, trong ba nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, đồng chí liên tục được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi.

Tháng 4/1952, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy. Thời gian này, quân và dân Quảng Ngãi đã đánh bại cuộc hành quân La-te-rít đánh chiếm các huyện miền Tây của thực dân Pháp, thắng lợi này góp phần phá tan âm mưu của kẻ thù mưu đồ xâm chiếm vùng tự do Liên khu V; hậu phương căn cứ địa Quảng Ngãi được củng cố vững mạnh; miền Tây Quảng Ngãi trở thành hậu phương trực tiếp của chiến trường Tây Nguyên và miền Nam Trung Bộ. Đồng thời, thực hiện công tác chỉnh huấn trong toàn Đảng bộ và phát động quần chúng triển đề giảm tô, thực hiện cải cách ruộng đất; từ đó, trình độ chính trị và lý luận, lãnh đạo và khả năng chuyên môn của cán bộ, đảng viên được nâng cao, tạo sự doàn kết nhất trí trong Đảng bộ về tư tưởng, hành động được tăng cường; đời sống của người nông dân được cải thiện, tạo ảnh hưởng tích cực ủng hộ kháng chiến.

Từ năm 1954, đồng chí được Đảng phân công ở lại hoạt động giữ chức vụ Quyền Bí thư Tỉnh ủy; cùng với Đảng bộ tỉnh đồng chí đã chỉ đạo, lãnh đạo củng cố tổ chức Đảng, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống cho nhân dân và lãnh đạo các cơ sở cách mạng đấu tranh chống địch khủng bố, phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Từ tháng 02/1955, đồng chí Phạm Xuân Hòa là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Tháng 4/1957, trên đường đi công tác ở thôn Lâm An, xã Phổ Minh, đồng chí bị địch phát hiện và truy bắt. Trong vòng vây của địch, đồng chí Phạm Xuân Hòa đã chiến đấu anh dũng, bị địch bắn trọng thương và anh dũng hi sinh.

Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, là Bí thư Ban cán sự Trung Nam của Xứ ủy Trung Kỳ, hai lần được Đảng bộ tỉnh tin tưởng, giao trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, dù ở cương vị nào, đồng chí Phạm Xuân Hòa cũng toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng, mưu trí, dũng cảm lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh nhà vượt qua những thời kỳ khó khăn, thử thách nhất.

Tôn vinh những đóng góp của đồng chí đối với phong trào cách mạng và công tác xây dựng Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, năm 2012, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đức Phổ đã xây dựng Nhà lưu niệm đồng chí Phạm Xuân Hòa tại quê nhà ở thôn Thủy Thạch, xã Phổ Cường. Năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí, Nhà lưu niệm đồng chí Phạm Xuân Hòa đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - cách mạng.

Đảng bộ, Nhân dân Đức Phổ, nơi đồng chí Phạm Xuân Hòa sinh ra, mãi tưởng nhớ và tự hào về đồng chí Phạm Xuân Hòa, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người con ưu tú của quê hương. Học tập, noi gương đồng chí và các bậc tiền bối tiêu biểu; đồng thời, phát huy truyền thống yêu nước, cùng với ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hơn 48 năm qua, kể từ khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và Nhân dân huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ) đã nỗ lực vượt lên khó khăn, thử thách, mạnh dạn đề xuất nhiều chủ trương, quyết sách mang tính đột phá, mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển. Đức Phổ đã ghi dấu ấn của mình khi trở thành thị xã Đức Phổ gồm 08 phường và 07 xã; tất cả các xã đều đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 xã đạt nông thôn mới nâng cao đã góp phần thay đổi diện mạo của địa phương cũng như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Kỷ niệm 110 năm sinh đồng chí Phạm Xuân Hòa là dịp để ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và công lao to lớn của đồng chí, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Đức Phổ càng thêm tự hào là nơi đã sinh ra người con ưu tú của Đảng. Đồng chí là tấm gương sáng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đức Phổ noi theo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm giành nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm xây dựng quê hương Đức Phổ nói riêng và Quảng Ngãi nói chung ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

Thúy Yến – Trung tâm TT-VH-TT thị xã Đức Phổ

Tin liên quan