Minh Long: Đẩy mạnh chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
Hiện nay, huyện Minh Long có 707 đối tượng BTXH đang hưởng trợ cấp hàng tháng, với kinh phí chi trả: 498.000.000đ; Trước đây việc chi trả trợ cấp được thực hiện bằng hình thức chi tiền mặt thông qua đơn vị dịch vụ Bưu điện. Hàng tháng cơ quan Bưu điện chi trả vào thời gian quy đinh từ ngày 7 hàng tháng. Tuy nhiên công tác chi trả bằng tiền mặt gặp khá nhiều khó khăn: Thời gian chi trả ngắn, một số đối tượng già yếu, người khuyết tật, hoặc nhiều lý do bận chưa lên nhận trợ cấp ngay được dẫn đến tình trạng tồn kinh phí trợ cấp phải chuyển qua tháng sau. Thủ tục ủy quyền, lĩnh thay trợ cấp còn rườm rà, gây khó khăn cho đối tượng và trong công tác chi trả.Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; Kế hoạch 144/KH-UBND ngày 13/9/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; Công văn số 5234/LĐTBXH-TTT ngày 23/12/2022 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về hướng dẫn chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội; Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 13/01/2023 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về triển khai chi trả trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Phòng Lao động Thương binh và Xã hội đã tham mưu nhiều văn bản triển khai thực hiện việc chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Ngay từ tháng 6 năm 2023, Phòng đã phối hợp với Bưu điện huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Huyện Minh Long triển khai mở tài khoản, hướng dẫn đối tượng sử dụng tài khoản. Đối với nhừng đối tượng đã có tài khoản thì không cần mở tài khoản mới; Đối với những người có đủ sức khỏe, đảm bảo năng lực hành vi dân sự thì được mở tài khoản chính chủ; còn các trường hợp khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi không đi lại được thì mở tài khoản qua người giám hộ, người được ủy quyền theo pháp luật. Nhờ sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ huyện đến xã và sự đồng thuận của người dân, đối tượng về chuyển đổi phương thức chi trả bằng tiền mặt sang phương thức không dùng tiền mặt. Nên từ tháng 8 năm 2023 chỉ có 14/ 700 đối tượng được chi qua tài khoản, đạt tỉ lệ 2%; thì đến nay (9/2024) 666/707 đối tượng được chi qua tài khoản, đạt tỉ lệ 94.47%. Qua 1 năm thực hiện chi trả qua tài khoản cho đối tượng bảo trợ xã hội đã nhận được phản hồi tích cực. Đối tượng được nhận chế độ đầy đủ, nhanh chóng, chính xác đúng theo quy định không cần phải đến địa điểm bưu điện văn hóa xã để nhận và ký danh sách. Tiện ích lớn nhất của việc chi trả qua tài khoản là mỗi lần bận việc hoặc đi đâu dài ngày đối tượng không phải lo lắng đến chuyện phải đi nhận tiền trợ cấp định kỳ tại điểm cố định. Có thể thấy rằng trong thời gian qua việc chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt góp phần giúp theo dõi, quản lý và chi trả cho các đối tượng BTXH đã được thực hiện thống nhất, đồng bộ; khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong việc chi trả bằng tiền mặt.Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện cũng gặp một số khó khăn như: Khi mới triển khai thì gặp khó khăn trong công tác vận động đối tượng vì đối tượng BTXH đa phần là người khuyết tật, người cao tuổi hạn chế trong sử dụng điện thoại thông minh, nên ngại sử dụng tài khoản vì quen dùng tiền mặt.Phần lớn người dân quen sử dụng tiền mặt vì cảm giác yên tâm khi nhận tiền trực tiếp. Đồng thời họ còn ngại ngần khi chuyển sang phương thức khác sẽ phát sinh thêm chi phí và quy trình phức tạp. Huyện chỉ có 01 cây ATM tại trung tâm huyện nên khó khăn cho đối tượng khi đi rút tiền trợ cấp hàng tháng.
Trong thời gian đến huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những tiện ích của việc thực hiện không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng trợ cấp an sinh xã hội. Tiếp tục rà soát biến động của đối tượng BTXH để đảm bảo thực hiện chế độ theo đúng quy định./.
Hà Trinh