Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN MINH LONG

Hướng dẫn bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi trong mùa hè

18/06/2020 16:55    130

Theo Bác sỹ Đinh Rô Đam Tuấn- khoa khám bệnh, cấp cứu và chống độc- TTYT huyện Minh Long, một tháng trở lại đây, người cao tuổi đến khám tại TTYT huyện mắc bệnh về tai mũi họng, hô hấp( TMH-HH) chiếm tỷ lệ cao, cứ 10 người cao tuổi đến khám thì có 2-3 người bị mắc bệnh TMH-HH. Bác sỹ Tuấn cho biết thêm: " Ở người cao tuổi, hệ miễn dịch suy yếu, sức đề kháng không còn mạnh mẽ như trước nên thường dễ mắc bệnh, đặc biệt các bệnh TMH-HH, nhất là khi thời tiết có nhiều biển đổi trong mùa nắng nóng, mưa dông, môi trường nhiều bụi bẩn".

Kham bệnh cho người cao tuổi tại xã Thanh An

Khám bệnh cho người cao tuổi tại xã Thanh An

Tại sao bệnh TMH-HH ở người cao tuổi lại gia tăng trong mùa nắng nóng?

Ở người cao tuổi hệ miễn dịch bị suy thoái khi tuyến ức thoái triển. Tuy số lượng tế bào gốc không thay đổi nhưng khả năng biệt hóa thành tế bào B, tế bào T giảm, làm ảnh hưởng sức đề kháng cơ thể. Người cao tuổi suy giảm khả năng thích ứng với sự thay đổi môi trường, suy giảm khả năng chống đỡ bệnh tật dẫn đến rối loạn cấu trúc và suy giảm chức năng các cơ quan đặc biệt là cơ quan hô hấp, tai mũi họng. Ở người cao tuổi các trị số thông khí giảm, thông khí tối đa giảm 40% ở người trên 80 tuổi, dung tích sống giảm, thể tích cặn tăng, khoảng chết sinh lý tăng. Người cao tuổi tăng tiết và ứ đọng đàm nhớt nhưng tống ra khó khăn, biến đổi niêm mạc đường hô hấp và phế nang gây trở ngại lưu thông khí và thu hẹp diện tích hô hấp. Vì vậy trong những ngày thời tiết nắng nóng cao điểm, thiếu nước, mất nước, người cao tuổi dễ bị say nóng, say nắng, rối loạn thân nhiệt, rối loạn chức năng các cơ quan TMH-HH.

Đồng thời môi trường ô nhiễm, nhiều bụi, khói, không khí hanh khô trong mùa nắng nóng cũng là những yếu tố thuận lợi làm cho người cao tuổi dễ mắc các bệnh tai mũi họng, hô hấp.

Những bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng?

Bệnh TMH-HH ở người cao tuổi, không điển hình, khó phát hiện, thường kèm theo một số bệnh khác, diễn biến bất thường. Những bệnh TMH-HH thường gặp ở  người cao tuổi mùa nắng nóng.

- Cảm lạnh: nhiệt độ thay đổi, nắng nóng bất thường, không khí ẩm mốc, bụi bẩn,..làm cho hệ miễn dịch người cao tuổi suy yếu, rất dễ mắc bệnh. Đặc biệt thời tiết nóng cũng là yếu tố thuận lợi cho các loại virus gây bệnh sinh sôi phát triển, cảm lạnh dễ xảy ra.

- Viêm họng cấp tính nếu không điều trị sẽ chuyển thành mạn tính. thường biểu hiện sốt, đau họng, ho, khàn tiếng, ngứa họng…

- Viêm mũi xoang, viêm tai giữa,..: độ ẩm không khí thấp, nhiệt độ môi trường cao, nhiều bụi,... làm cho niêm mạc mũi phù nề, gây hắt hơi, sổ mũi, đau nhức mũi, đau đầu, đau tai,…

- Viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm phổi với nhiều biến chứng rất nặng dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Phế cầu khuẩn, trực khuẩn gram âm,... là nguyên nhân gây viêm phổi thường gặp ở người cao tuổi, đây là những vi khuẩn có nguy cơ đa kháng thuốc, không đáp ứng điều trị dẫn đến suy hô hấp, tử vong

- Bùng phát bệnh phổi mạn tính như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khi nắng nóng, lưu ý có những trường hợp diễn tiến hen ác tính, suy hô hấp đe dọa tính mạng.

Khám bệnh cho người cao tuổi tại xã Long MaiKhám bệnh cho người cao tuổi tại xã Long Mai

Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe TMH-HH người cao tuổi vào thời điểm này?

Bác sỹ Nguyễn Tấn Dũng - Trưởng khoa Dược cận lâm sàng, TTYT huyện cho biết: "Người cao tuổi hạn chế ra đường khi trời nắng nóng gay gắt, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, nếu ra đường cần phải mặc quần áo dài thoáng mát, đeo kính, khẩu trang,.. Không tắm biển, sông, suối, ao, hồ lúc trời nắng gắt; Uống nhiều nước, tối thiểu 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Tuy nhiên không nên uống quá nhiều nước trong một lần, không nên uống nước quá nóng hoặc quá lạnh dễ gây viêm họng; Không nên để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để quạt thổi trực tiếp vào người; Khi có những dấu hiệu viêm mũi, viêm họng, chảy nước mũi, ho, khò khè, khó thở,... cần đưa đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng xảy ra; Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn đều đặn 4-5 bữa mỗi ngày. Ăn nhiều thực phẩm nâng cao sức đề kháng, giàu chất đạm như thịt, cá, tôm, cua, trái cây tươi, rau xanh để cung cấp thêm vitamin và khoáng chất; Rèn luyện thân thể điều độ và hợp lý ít nhất 20 phút mỗi ngày như đi bộ, chạy bộ, dưỡng sinh, tập thở,...Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, vệ sinh họng, miệng hằng ngày; Vệ sinh môi trường, tạo không gian sinh hoạt thoáng mát, hạn chế gió lùa. Không hút thuốc lá, nhất là những người đang bị bệnh mạn tính như viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang,..."

Đình Toàn

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1979

Tổng số lượt xem: 16318546