Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN MINH LONG

Huyện Minh Long nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

12/03/2020 10:46    215

Những năm gần đây công tác dân số kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn huyện Minh Long được tập trung quan tâm và đẩy mạnh...

Những năm gần đây công tác dân số kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn huyện Minh Long được tập trung quan tâm và đẩy mạnh tuyên truyền một cách đa dạng, phong phú và thông qua nhiều hình thức. Nhiều Mô hình, Đề án, cách làm hay được triển khai sâu rộng trong nhân dân. Trong các Mô hình, Đề án ấy, có Mô hình “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” ( gọi tắc là Mô hình), Mô hình được triển khai trên địa bàn huyện từ năm 2012, Mô hình được cán bộ dân số từ huyện đến cán bộ chuyên trách tại xã và các cộng tác viên đặc biệt quan tâm. Đây là Mô hình được ngành Dân số triển khai nhằm chuyển đổi tâm lý vốn đã bén rễ trong nhận thức của người dân bao lâu nay là “phải có con trai để nối dõi tông đường”; Qua đó, phê phán tình trạng trọng nam, khinh nữ, nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội; Từng bước thuyết phục các cặp vợ chồng không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Theo số liệu thống kê của Phòng dân số thuộc TTYT huyện Minh Long, tỷ số giới tính khi sinh giữa trẻ em trai và trẻ em gái ở nhiều năm qua tuy có giảm nhưng chưa bền vững ( năm 2013 là 115,4 nam/100 nữ, năm 2014 là 101 nam/ 100 nữ, năm 2015 là 126 nam/100 nữ, năm 2016 là 129,8 nam/100 nữ, năm 2017 là 110,6 nam/100 nữ, năm 2018 là 101,7 nam/ 100 nữ, năm 2019 tỷ số này là 77,3 nam/ 100 nữ ). Bởi theo ngành chức năng tỷ số giới tính khi sinh được coi là bình thường trong khoảng 103 đến 107 trẻ trai/100 trẻ gái.

 

Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm được tổ chức hàng năm

Những năm qua, ngành dân số huyện Minh Long đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tiến tới mất cân bằng tự nhiên theo mục tiêu của Mô hình . Theo đó, ngành dân số tập trung tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tham gia thực hiện Mô hình, nhất là các cặp vợ chồng ở các thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những địa phương có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao. Thông qua Mô hình, đã từng bước làm thay đổi nhận thức của các hộ gia đình, các cặp vợ chồng trong việc “sinh con nối dõi tông đường”; nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Đồng thời, ngành dân số cũng thuyết phục các cặp vợ chồng không lựa chọn giới tính khi sinh dưới mọi hình thức; khuyến khích và hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái. Xã Long Sơn là xã có địa bàn rộng, dân cư đông, tỷ lệ dân tộc thiểu số cao, trình độ dân trí còn ở mức hạn chế; thời gian qua, xã đã rất tích cực trong hoạt động tuyên truyền vận động người dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại nhưng đến nay tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn xảy ra ở các gia đình sinh con một bề là gái. Do đó, ngành dân số huyện đã phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh truyền thông về công tác dân số KHHGĐ nói chung và truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh nói riêng. Từ năm 2012 đến nay, ngành dân số huyện phối hợp với xã tổ chức được 960 buổi truyền thông với trên 60 ngàn lượt người tham gia. Thông qua các buổi truyền thông, nhận thức của các đối tượng dần được thay đổi. Chị Đinh Thị Vinh - Thôn Gò Tranh, xã Long Sơn chia sẻ “khi tôi mang bầu đứa con thứ 2, nhiều người cũng khuyên tôi đi siêu âm xem con trai hay con gái, nhưng khi được cán bộ dân số tuyên truyền, tôi vẫn đi siêu âm để biết thai nhi phát triển thế nào chứ không nặng nề là con trai hay con gái, thấy rằng dù là con gái hay con trai đều được, miễn sao sinh ra con cái tôi khỏe mạnh”. Để có được kết quả này, công tác truyền thông về Mô hình đã được cán bộ dân số các xã tổ chức một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của nhân dân các địa phương. Chị Trần Nữ Vương Phương– cán bộ dân số xã Long Mai chia sẻ “để nói được dân nghe chúng tôi phải thường xuyên đến tận các hộ gia đình tuyên truyền, truyền thông trực tiếp, khuyên nhủ, dặn dò các gia đình không phân biệt đối xử; đồng thời thường xuyên theo dõi các cặp vợ chồng đã sinh đủ 2 con, sinh con một bề, vận động các hộ không đẻ con thứ 3". Tính đến thời điểm này, Mô hình được triển khai, duy trì hoạt động ở 5/5 xã với  24 câu lạc bộ thực hiện Chính sách dân số, 5 Câu lạc bộ không sinh con thứ 3  cùng giúp nhau phát triển kinh tế; Hằng năm, huyện tổ chức hội nghị gặp mặt, chia sẻ kinh nghiệm trong học tập, rèn luyện của các cháu gái trong gia đình sinh con một bề là gái, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế và nuôi dạy con của các phụ nữ sinh 2 con một bề là gái; Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi,…. Qua các hoạt động của Mô hình và Đề án, ngành Dân số đã cung cấp đầy đủ thông tin về công tác dân số - KHHGĐ nói chung, thực trạng và hệ lụy do mất cân bằng giới tính khi sinh nói riêng cho lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của huyện, các xã và người dân.

 

 

Sinh hoạt CLB không sinh con thứ 3 tại xã Long Sơn

“Thời gian qua, ngành dân số KHHGĐ đã tổ chức truyền thông về Mô hình thông qua nhiều hình thức đa dạng và phong phú như: tuyên truyền qua đài truyền thanh – phát lại truyền hình huyện, nói chuyện chuyên đề, truyền thông về những quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi và các biện pháp xử lý các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi như: khoản 2, điều 7, pháp lệnh dân số năm 2003 quy định “Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức,..”, điều 40 của Luật bình đẳng giới năm 2006 quy định các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, trong đó có nội dung “lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi” là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới”….Bên cạnh đó, hàng năm chúng tôi cũng tổ chức kiểm tra, rà soát ở cơ sở để tập trung tuyên truyền các đối tượng thực hiện tốt về Mô hình” Ông Lê Vũ Lương- Trưởng phòng Dân số cho biết.

 

 

Phụ nữ sinh con một bề là gái của huyện Minh Long tham dự Hội nghị tại Tỉnh Quảng Ngãi

Để khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian tới, Phòng dân số tiếp tục tham mưu lãnh đạo TTYT huyện phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động Mô hình tại các xã. Tăng cường cung cấp thông tin, giáo dục truyền thông về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh, nhất là về hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh cho những người có uy tín trong cộng đồng, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai nhằm hạn chế các hành vi can thiệp sinh sản có chủ đích lựa chọn không sinh đẻ theo quy luật tự nhiên.

 

 

                                                                                     

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1181

Tổng số lượt xem: 16169427