Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN MINH LONG

Phát triển kinh tế gia đình từ Mô hình làm chổi đót kết hợp chăn nuôi và trồng rừng

26/07/2022 14:50    325

Nhờ đức tính cần cù, quyết tâm thoát khỏi cái nghèo và cùng với sự hỗ trợ về vốn, tập huấn chuyển giao KHKT từ Hội nông dân các cấp, gia đình anh Đặng Quang Giới ở xã Long Mai đã gầy dựng được kinh tế gia đình phát triển từ mô hình bó chổi đót kết hợp chăn nuôi và trồng rừng. Từ mô hình này, không những giúp gia đình có thu nhập ổn định mà còn góp phần giải quyết việc làm cho 15-20 bà con tại địa phương.

Chị Phạm Thị Điệp tại Hội nghị tổng kết phong trào SXKG giỏi của huyện (người thứ 3 tính từ bên trái sang)

Trước kia, cuộc sống của gia đình anh Đặng Quang Giới và chị Phạm Thị Điệp rất khó khăn. Nhưng với quyết tâm vượt qua đói nghèo và sự hỗ trợ của Hội nông dân các cấp, vợ chồng anh Giới đã tiếp cận và nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ cho người nông dân, tiếp thu các tiến bộ KHKT, kinh nghiệm phát triển kinh tế thông qua các lớp tập huấn.

Năm 2011, được Hội Nông dân xã tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình anh Giới đã mạnh dạn vay vốn 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH để đầu tư trồng keo, chăn nuôi và mở cơ sở bó chổi đót. Từ sự hỗ trợ cây con giống, vốn vay của Nhà nước, hướng dẫn KHKT của cán bộ khuyến nông và quyết tâm vươn lên làm ăn phát triển kinh tế của mình, mô hình bó chổi đót kết hợp chăn nuôi, trồng rừng, gia đình anh Giới đã có thu nhập ổn định. Sau đó, vợ chồng anh tiếp tục tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tích tiểu thành đại, đến nay gia đình anh Giới đã mở rộng thêm quy mô cơ sở bó chổi đót và trồng rừng với quy mô 04 héc ta, kết hợp chăn nuôi bò.

Ngày nào cũng vậy, xưởng sản xuất chổi đót của gia đình anh Đặng Quang Giới và chị Phạm Thị Điệp, luôn có trên 10 nhân công tất bật với công việc làm chổi đót. Từ khi còn rất nhỏ, vợ chồng anh Giới đã làm quen với nghề làm chổi đót truyền thống của gia đình, nên việc tiếp quản nghề làm chổi đót cũng thuận lợi hơn. Cơ sở của gia đình anh Giới, chị Điệp là một trong những nơi có quy mô sản xuất lớn trên địa bàn huyện Minh Long. Mỗi ngày cơ sở của vợ chồng anh Giới cho ra thị trường hơn 250 cây chổi. Đến nay, riêng từ bó chổi đót đã cho thu nhập khoảng 75 triệu đồng/năm.. Chị Phạm Thị Điệp, thôn Minh Xuân, xã Long Mai chia sẻ: Mình nghĩ là mình sẽ giữ cái nghề làm chổi đót suốt đời vì là nghề truyền thống của cha mẹ để lại, rồi nó giúp chị em trong thôn có thêm việc làm nữa.

Nhờ chất lượng chổi tốt, lại đa dạng chủng loại nên chổi đót của anh chị luôn được nhiều khách hàng tin dùng. Đặc biệt, cơ sở bó chổi đót của vợ chồng anh Giới còn tạo công ăn việc làm cho những phụ nữ và người già trong thôn, giúp họ có thêm nguồn thu nhập. Cô Trần Thị Minh – Thôn Minh Xuân, xã Long Mai cho biết: Từ khi chị Điệp mở cái cơ sở chổi đót này thì tui làm cũng đã 10 năm nay. Tuy là không có thu nhập nhiều nhưng nó đủ cho tui trang trãi cuộc sống gia đình.

Bên cạnh bó chổi đót, chăn nuôi và trồng rừng cũng mang lại thu nhập ổn định hơn cho gia đình anh Giới. Mỗi năm, từ chăn nuôi Bò gia đình thu nhập hơn 30 triệu đồng và 45 triệu đồng/ héc ta từ trồng rừng keo nguyên liệu. Theo anh Đặng Quang Giới chia sẻ: Có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ bản thân và gia đình luôn nỗ lực lao động cần cù, tích cực học hỏi, tìm tòi áp dụng KHKT vào trong trồng trọt chăn nuôi, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Thời gian đến, gia đình anh Giới có dự kiến tiếp tục mở rộng thêm quy mô sản xuất để nâng cao thu nhập cho gia đình, cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho những hộ dân xung quanh./.

Thị Thoang

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 740

Tổng số lượt xem: 16146086