Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN MINH LONG

Tuyên truyền phòng, chống dịch covid-19 ở người cao tuổi

31/03/2020 09:28    256

Người cao tuổi, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là người từ 60 tuổi trở lên. Hiện nay ở Việt Nam, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, tuổi thọ trung bình ngày càng cao, số lượng người cao tuổi chiếm tỉ lệ không nhỏ.

Tuổi cao, theo quy luật sẽ kéo theo sự lão hóa của các cơ quan trong cơ thể, từ hệ cơ xương khớp cho đến các cơ quan quan trọng như phổi, tim, hệ thống mạch máu. Sự lão hóa còn làm giảm khả năng thích ứng của cơ thể với sự thay đổi của thời tiết, môi trường, tăng khả năng mắc các bệnh lý lây nhiễm từ cộng đồng, đặc biệt các bệnh lý đường hô hấp.

Người cao tuổi có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch “thờ ơ” với các tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể, các hàng rào bảo vệ cơ thể ở đường hô hấp trên (mũi, họng) đáp ứng rất kém, các mầm bệnh truyền nhiễm (virus, vi khuẩn) thông qua đường hô hấp trên xâm nhập vào đường hô hấp dưới (phế quản, phổi) dễ dàng và gây bệnh tại đó. Theo tổng kết của một nghiên cứu tại Bệnh viện Lão khoa TW, một người cao tuổi Việt Nam trung bình mắc 2,6 bệnh, con số này sẽ là 6,8 bệnh ở nhóm trên 80 tuổi.

Từ thực tế diễn biến dịch bệnh COVID-19 hay còn gọi “SARS-CoV-2” hiện nay chưa có thuốc điều trị, chưa có vác xin phòng bệnh;  cho thấy người cao tuổi là đối tượng dễ bị tấn công và 'gục ngã' khi mắc phải bệnh COVID-19 do hệ miễn dịch của họ đã suy yếu, và đa số người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính kèm theo. Dịch  COVID-19 chủ yếu tập trung ở người cao tuổi, số người mắc bệnh dịch COVID-19 ở tuổi 70 trở lên gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần bệnh nhân trẻ. Số ca tử vong chiếm 89% ở người cao tuổi hiện nay (số liệu tại nước Ý) và tập trung nam giới chiếm tỷ lệ cao. Đến ngày 27/3/2020 trên toàn thế giới có 199 Quốc gia, vùng lĩnh thổ phát hiện bệnh, trên 529.614 người nhiễm bệnh, với 23.976 người tử vong.

Đại dịch COVID-19 (do virus SARS-CoV-2 gây ra) lần đầu tiên lan truyền sang Việt Nam vào ngày 23 tháng 1 năm 2020, với hai trường hợp được xác nhận ở Thành phố Hồ Chí Minh, là những người đến từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ BắcTrung Quốc. Tính đến giữa tháng 3 năm 2020, dịch COVID-19 tại Việt Nam có thể chia thành hai giai đoạn. Dịch tạm thời kết thúc giai đoạn đầu vào ngày 25 tháng 2, khi ca nhiễm thứ 16 (cuối cùng lúc đó) được chữa khỏi. Tính đến ngày 6 tháng 3 năm 2020, hơn 20 ngày kể từ khi ca nhiễm thứ 16 được xác nhận, Việt Nam bắt đầu ghi nhận thêm các trường hợp mới, phần lớn trong số đó là những người đến từ vùng có dịch trên thế giới. Dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện nay đang lây lang rất nhanh, diễn biến dịch bệnh rất khó lường, nguy cơ lây nhiễm nhiều độ tuổi. Tính đến ngày 27/03/2020 Việt Nam có 22 tỉnh, thành phố/ 53 tỉnh, thành phố có ca mắc và có 153 ca dương tính COVID-19, trong đó có 02 trường hợp là người cao tuổi đang trong trình trạng rất nguy kịch phải thở máy, lọc máu ngoài cơ thể; hiện đang nghi nhiễm 1.729 người và cách ly 57.104 người.

Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc “người trên 60 tuổi hãy ở nhà; hạn chế tiếp xúc với người khác; rất hạn chế tụ tập đông người; đeo khẩu trang đi ra ngoài và nơi công cộng,, thường xuyên rửa tay bằng xà  phòng, dung dịch sát trùng, tăng cường dinh dưỡng, tập luyện, nâng cao sức khỏe”

Vậy Người thân trong gia đình, người cao tuổi cần làm gì để có thể giảm bớt nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19, các bệnh lý đường hô hấp? Người thân trong gia đình cũng phải làm theo các hướng dẫn Của thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế, để vừa bảo vệ bản thân mình, vừa bảo vệ cha mẹ cao tuổi.

1. Hạn chế ra ngoài: Người cao tuổi cũng nên hạn chế đi ra ngoài khi thời tiết quá khắc nghiệt (quá lạnh hoặc quá nóng), khi thời tiết thay đổi, khi có dịch bệnh đang lưu hành, đặc biệt là những người có thể trạng yếu, có nhiều bệnh lý nền hoặc có bệnh lý nền chưa được điều trị ổn định.

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang có xu hướng lan rộng, người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài, đến các nơi công cộng có tập trung đông người. Trong trường hợp có vấn đề về sức khỏe, nếu nhẹ có thể tự chăm sóc tại nhà dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế xã, phường, trường hợp thực sự cần thiết mới nên tới các cơ sở y tế ví dụ như các trường hợp cấp cứu, bệnh nặng cần theo dõi và điều trị. Nếu có việc cần thiết phải ra ngoài, người cao tuổi nên tránh nơi tập trung đông người ở không gian hẹp, nên sử dụng khẩu trang, giấy khô đề phòng ho, khạc; thường xuyên rửa tay bằng xã phòng, nước sát khuẩn nhanh để vệ sinh tay thường xuyên.

 

 

 

 

Tuyền truyền phòng chống dịch covid-19 cho người cao tuổi tại các xã trong huyện

 

2. Những người đang mắc các bệnh mạn tính: Như bệnh về phổi mãn tính, bệnh về thận; đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh gout,... cần thực hiện nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sỹ điều trị và bác sĩ dinh dưỡng về sử dụng thuốc điều trị thường xuyên và thực hiện chế độ dinh dưỡng bệnh lý. Tranh thủ đến trạm Y tế kiểm tra, nhận thuốc điều trị các bệnh lý mạn tính tối thiểu 2 tháng/ 1lần, điều này giúp giảm tải cho các cơ sở y tế, và cũng tạo điều kiện cho người cao tuổi không phải đi lại nhiều, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.

 

 

Khám cấp thuốc điều trị bệnh mãn tính cho    người cao tuổi tại xã Long Môn

 

 

3. Môi trường sống cần thông thoáng: Môi trường sinh hoạt của người cao tuổi nên được thông thoáng, không khí nên được trao đổi, thường xuyên mở cửa sổ tuy nhiên cũng cần tránh gió lùa trực tiếp.

4. Ăn đủ chất, uống đủ nước: Người cao tuổi cũng rất cần ăn đủ chất, uống đủ nước, đôi khi chế độ ăn kiêng quá ngặt nghèo cũng làm cho cơ thể thiếu chất, gây suy yếu hệ miễn dịch. Cảm giác khát của người cao tuổi gần như không có, do đó người cao tuổi cần chủ động cung cấp đủ nước cho cơ thể hàng ngày, ít nhất 1,5-2lít nước ấm (không uống nước lả), không nên uống nhiều nước vào buổi tối trước khi đi ngủ.

5. Hướng dẫn Người cao tuổi  thường xuyên vận động cũng là cách rất tốt để tăng sức đề kháng cho cơ thể chống lại virút và bệnh tật.

Người lớn tuổi thường hay bị mệt mỏi khiến ngại vận động. Đây là dấu hiệu bình thường khi cơ thể đã bước vào giai đoạn lão hóa. Để năng vận động, đôi khi cần có sự hỗ trợ, động viên từ người bạn đời, bạn bè hoặc từ con cháu. Hai hay nhiều người cùng tập luyện sẽ có thêm động lực và niềm vui. Ngoài tập dưỡng sinh, đi bộ, bậc cao niên có thể tập các môn có cường độ thể lực trung bình thấp như đạp xe, chạy bộ, đánh cầu lông, bơi lội... một cách nhẹ nhàng. Quan trọng là phải lượng sức mình mà luyện tập và không thể sánh với thanh niên được.

Mỗi ngày, người cao tuổi nên vận động cơ thể nhẹ nhàng 30 - 45 phút sẽ giúp cơ thể giải phóng năng lượng, xương khớp chắc khỏe, dẻo dai, góp phần cải thiện hệ thống miễn dịch cho cơ thể.

6. Bộ Y tế khuyến cáo những trường hợp nghi ngờ: Là nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính với các biểu hiện sốt, ho, có thể khó thở và có một trong các yếu tố dịch tễ sau:

- Có tiền sử đến/ở/về từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh

- Hoặc tiếp xúc gần (trong vòng 2 mét) với trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Những trường hợp trên cần đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác, cách ly, điều trị kịp thời.

 

Tuổi già không hẳn sức yếu, điều quan trọng là cần tuân thủ hướng dẫn phòng bệnh, áp dụng chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý, đảm bảo giấc ngủ ngon, tinh thần lạc quan cùng lối sống lành mạnh, cách ly tuyệt đối, không tiếp xúc sẽ tránh được dịch bệnh Covid-19 vì hiện nay chưa có thuốc điều trị, chưa có vác xin phòng bệnh.

 

“Mỗi người dân, mỗi địa phương đơn vị là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch COVID-19”.

 

 

 

Vũ Lương

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1573

Tổng số lượt xem: 16225746